Doanh nghiệp nhựa kỳ vọng bứt tốc
Kết quả kinh doanh phân hóa
Ngành nhựa Việt Nam hiện có gần 4.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 90%. Trong những năm qua, máy móc, thiết bị của ngành nhựa được nhập khẩu gần như 100% từ các thị trường chính như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý..., còn nguyên liệu phụ thuộc 70 - 80% vào nhập khẩu.
Năm 2022, doanh thu toàn ngành nhựa đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2021, trong khi nhiều năm trước tăng bình quân 10 - 12%/năm.
Năm 2023, ngành nhựa tiếp tục đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế trên thế giới và tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19, cũng như thị trường bất động sản trầm lắng, khiến kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm đi xuống so với cùng kỳ, chủ yếu do sức cầu suy giảm.
Diễn biến giá hạt nhựa PVC thế giới 5 năm qua (Đơn vị: CNY/tấn). Nguồn: tradingeconomics.com.
Công ty cổ phần An Phát Xanh (mã chứng khoán AAA) ghi nhận 113,6 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trong 6 tháng đầu năm năm 2023, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, do lợi nhuận từ mảng hoạt động thương mại giảm mạnh.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Nhựa Đông Á (mã chứng khoán DAG) lỗ hơn 102 tỷ đồng trong quý II/2023, nhờ quý I có lãi nên lũy kế 6 tháng đầu năm nay lỗ 33 tỷ đồng. Nhựa Đông Á cho biết, ngoài vấn đề giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến nhập khẩu tăng, thì quá trình lưu trữ hàng hóa và sản xuất tạo ra nhiều phế liệu, hàng hóa bị hư hỏng nhiều, khiến Công ty thua lỗ.
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã chứng khoán NTP) có lợi nhuận sau thuế hợp nhất nửa đầu năm 2023 là 246,5 tỷ đồng, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn do doanh thu bán hàng giảm.
Ngược lại, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.797 tỷ đồng, chỉ giảm 4%, trong khi lợi nhuận hợp nhất đạt 575,3 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ. Nhựa Bình Minh cho hay, giá vốn bán hàng giảm 25% giúp Công ty cải thiện được lợi nhuận.
Biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay của BMP và NTP. Nguồn: SSI.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, giá hạt nhựa PVC tại châu Á trong quý II/2023 bình quân là 800 USD/tấn, giảm 10% so với quý I (và giảm 36% so với cùng kỳ). SSI dự báo, giá hạt nhựa PVC sẽ dao động phổ biến trong khoảng 800 - 850 USD/tấn trong giai đoạn 2023 - 2024.
Tương tự, nửa đầu năm 2023, Công ty cổ phần Bao bì Nhựa Tân Tiến (mã chứng khoán TTP) ghi nhận doanh thu 872,2 tỷ đồng, giảm 5,3%, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 66,4 tỷ đồng, tăng 481% so với cùng kỳ, nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm.
Theo Công ty chứng khoán FPT (FPTS), giá hạt nhựa PVC bình quân nửa đầu năm 2023 là 869 USD/tấn, giảm 24% so với cùng kỳ. Dự báo, nửa cuối năm, giá hạt nhựa PVC trung bình tăng 1,7% so với nửa đầu năm.
Kỳ vọng nhu cầu tăng trở lại
Các doanh nghiệp cung cấp ống nhựa như Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh đang được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian tới, khi nhu cầu ống nhựa cải thiện cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản. Trong khi đó, ngành xây dựng Việt Nam được hỗ trợ bởi các yếu tố như dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao, dòng vốn FDI ổn định.
Sản lượng tiêu thụ ống nhựa được kỳ vọng cải mạnh từ quý II/2024, khi ngành xây dựng bước vào thời gian cao điểm sau dịp Tết Nguyên đán. FPTS dự phóng, sản lượng tiêu thụ ống nhựa giai đoạn 2024 - 2027 sẽ tăng trưởng với tốc độ kép 5,9%/năm, riêng năm 2024 tăng 7%.
Với Nhựa Bình Minh, FPTS nhận định, giá bán thành phẩm năm 2023 sẽ duy trì ở mức cao nhờ có hệ thống phân phối lớn và vị thế vững chắc tại miền Nam. Qua đó, biên lợi nhuận gộp năm nay ước đạt 38,9%, tăng mạnh so với mức 27,7% năm ngoái.
Mới đây, SSI đã điều chỉnh tăng 32% dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Nhựa Bình Minh so với dự báo trước đó, do giá hạt nhựa PVC thấp hơn dự kiến. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt là 5.300 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng (tăng 46% so với năm ngoái).
Đối với doanh nghiệp sản xuất túi màng mỏng xuất khẩu như Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán AAA), phân khúc khách hàng tập trung ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, sức cầu cải thiện khi lạm phát dần hạ nhiệt sẽ đem lại triển vọng kinh doanh tích cực.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hàng tồn kho của các thị trường đã có dấu hiệu giảm, tiêu thụ sản phẩm nhựa trong những tháng cuối năm 2023 kỳ vọng dần khởi sắc. Sự phục hồi của ngành hàng tiêu dùng và xây dựng sẽ mở ra những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp nhựa Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực bao bì và nhựa xây dựng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành nhựa từ đầu năm 2023 đến ngày 12/9 nhìn chung có diễn biến khả quan, như cổ phiếu TTP tăng hơn 50%, cổ phiếu AAA tăng 39,6%, cổ phiếu BMP tăng 48,7%, cổ phiếu NTP tăng hơn 19%, một phần nhờ thị trường chung tăng điểm, một phần phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng dài hạn của doanh nghiệp ngành nhựa.
(Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam)