Nhật Bản phát triển thành công nhựa phân hủy sinh học làm từ thực vật
Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản từ Đại học Osaka đã phát triển thành công loại nhựa phân hủy sinh học được làm từ thực vật với ưu thế vượt trội.
Hiện nay, trên thế giới có một số loại nhựa phân hủy sinh học vô hại trong môi trường đại dương, nhưng chúng có nhiều nhược điểm là chất lượng kém hơn nhựa thông thường, giá thành thường khá cao và chỉ có thể được sản xuất với số lượng tương đối nhỏ. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các polymer có khả năng phân hủy sinh học tiếp tục gây hại cho thiên nhiên và sẽ không cứu hành tinh khỏi ô nhiễm nhựa, còn túi chế từ ngô lại không bị phân hủy trong bãi rác.
Mới đây, nhóm khoa học ở Osaka do phó giáo sư Taka-Aki Asoh và giáo sư Hiroshi Uyama hướng dẫn, đã phát triển một loại nhựa trong suốt thay thế bao gồm chủ yếu là sợi nano cellulose và tinh bột, cả 2 thành phần này đều thu được từ thực vật. Nhờ một quy trình sản xuất độc quyền, sản phẩm hoàn chỉnh được nhóm nghiên cứu tuyên bố là có khả năng chống nước tuyệt vời và độ bền cao, đồng thời có khả năng phân hủy sinh học khi bị trôi nổi trong nước biển theo thời gian. Ngoài ra, dầu không được sử dụng trong sản xuất loại nhựa này, có nghĩa là khí nhà kính không được thải ra.
Các nhà khoa học có kế hoạch sớm tổ chức sản xuất các bao gói của họ từ sợi nano cellulose và tinh bột.
Việc phát triển các nghiên cứu mới về các sản phẩm thân thiện sẽ góp phần tạo nên bước tiến mới trong sử dụng các sản phẩm bền vững có lợi cho môi trường.